Vụ thuê người chặt tay chân mình: Vì sao không xử lý hình sự?

Ngày 29/08/2016 19:24 PM (GMT+7)

Vụ việc Lý Thị N (SN 1986, trú tại xã Xuân Phú, Phúc Thọ, Hà Nội) thuê Doãn Văn D (SN 1995, trú tại Phúc Thọ, Hà Nội) dùng dao chặt tay, chân mình với mục đích trục lợi bảo hiểm có thể coi là một “vụ án” lịch sử, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.

Sau sự việc này, rất nhiều ý kiến cho rằng cần phải xử lý nghiêm với N và D về những hành vi trên. Về việc này, các luật sư đã có những phân tích xác đáng.

Vào khoảng 0h05 ngày 5/5/2016, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) nhận được tin báo của anh Doãn Văn D (SN 1995, trú tại Phúc Thọ, Hà Nội) về việc phát hiện một phụ nữ bị tai nạn đường sắt trên địa bàn phường Phú Diễn. Cơ quan công an làm rõ nạn nhân là Lý Thị N (SN 1986, trú tại Phúc Thọ, Hà Nội) bị thương ở tay và chân. Sau đó, N được đưa vào Bệnh viện 19-8 cấp cứu và nối lại 1/3 bàn tay, chân bị đứt lìa. Quá trình nằm viện, do bị hoại tử nên N đã bị tháo khớp một bên tay, chân. Cùng thời điểm này, N cũng yêu cầu được các công ty bảo hiểm bồi thường cho mình với 3 hợp đồng bảo hiểm đã mua trước đó.

Tuy nhiên, quá trình điều tra, Công an quận Bắc Từ Liêm đã phát hiện nhiều điểm gian dối trong trình báo của Doãn Văn D và tường trình của Lý Thị N về vụ tai nạn. Sau nhiều lần làm việc, cuối cùng N đã thừa nhận thuê D với giá 50 triệu đồng để D dùng dao (do N mua và đưa cho D - PV) chặt một bên chân và tay của N, tạo hiện trường vụ tai nan giao thông nhằm trục lợi bảo hiểm. Hành vi của N ngay lập tức gây xôn xao dư luận.

Vụ thuê người chặt tay chân mình: Vì sao không xử lý hình sự? - 1

Tạo hiện trường giả

Chưa cấu thành tội phạm

Liên quan đến vụ việc này, luật sư Vũ Thị Thanh (Công ty Luật INTERCODE, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Trục lợi bảo hiểm là hành vi cố ý lừa dối của tổ chức, cá nhân thu lợi bất chính khi tham gia bảo hiểm, bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm và giải quyết khiếu nại bảo hiểm. Do bị cơ quan công an phát hiện kịp thời và làm rõ nên chị N đã không thể đạt được mục đích trục lợi số tiền bảo hiểm nhân thọ, hậu quả chiếm đoạt tài sản (trục lợi bảo hiểm) chưa xảy ra trên thực tế nên hành vi của chị N chưa cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009 (đang có hiệu lực hiện nay) cũng như Bộ luật Hình sự năm 2015 (chưa có hiệu lực).

Luật sư Vũ Thị Thanh cho hay, theo Khoản 4 và Khoản 5, Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình; Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Điều 213 Bộ luật Hình sự 2015 (chưa có hiệu lực) đã bổ sung thêm Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm quy định: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm nếu Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác”.

Luật sư Vũ Thị Thanh nhấn mạnh: Đây là những tội phạm có cấu thành vật chất nên buộc phải có hậu qủa chiếm đoạt đã xảy ra mới có thể xử lý. Chị N đã có hành vi thuê người khác hủy hoại sức khỏe mình để trục lợi bảo hiểm nhưng do bị phát hiện, ngăn chặn sớm ngay từ ban đầu nên chưa chiếm đoạt được tiền của công ty bảo hiểm. Do đó, hành vi của chị N chưa đến mức phải xử lý về mặt hình sự. Đối với trường hợp này, cơ quan chức năng có thể xử phạt hành chính đối với chị N.

Một số ý kiến cho rằng, có thể xử phạt hành chính đối với chị N về hành vi “báo tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền” theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và một số lĩnh việc khác. Tuy nhiên, theo luật sư Vũ Thị Thanh: Việc báo tin là do Doãn Văn D thực hiện nên không thể xử phạt đối với chị N về hành vi báo tin giả được.

Về trường hợp của Doãn Văn D, luật sư Vũ Thị Thanh cho biết: Trong trường hợp này, mặc dù được chị N thuê và trả công, hoặc hứa trả song anh D bắt buộc phải nhận thức được hành vi chặt tay, chân của chị N là trái pháp luật, xâm phạm đến thân thể, sức khỏe của chị N, thấy trước được hậu quả của hành vi đó, đồng thời mong muốn hậu quả thương tích cho nạn nhân xảy ra. Do đó, anh D có thể phải chịu trách nhiệm về “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo Điều 104 Bộ luật Hình sự. Xét đến tỷ lệ thương tật của chị N theo kết luận giám định thì anh D đã có thể bị xử lý theo Khoản 1, Điều 104 Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung “Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê”.

Khi được hỏi về tình tiết việc tự hủy hoại thân thể có thể xem xét miễn xử lý trách nhiệm pháp lý nếu do hoàn cảnh túng bẫn, khó khăn hay không, luật sư Vũ Thị Thanh bày tỏ: Theo quan điểm cá nhân, hiện nay trong hệ thống pháp luật Việt Nam không có quy định nào truy cứu trách nhiệm người có hành vi tự hủy hoại bản thân phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nhìn một cách bao quát, khi xã hội càng phát triển thì những hành vi phạm tội càng đa dạng và tinh vi. Chính vì vậy, nhân Bộ luật Hình sự 2015 đang được chỉnh lý, các nhà làm luật nên có cái nhìn rộng và xa hơn nữa để dự liệu các hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra trong đó có trường hợp này và phải bị nằm trong vùng điều chỉnh, tránh tình trạng các quy phạm pháp luật hình sự lỗi thời không theo kịp hay dự liệu được sự thay đổi cuộc sống.

Trục lợi bảo hiểm ngày càng tinh vi

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, một chuyên gia về bảo hiểm (đề nghị không nêu tên) cho hay, hiện nay việc trục lợi bảo hiểm diễn ra hết sức tinh vi, trong đó chủ yếu tập trung vào các hình thức như: Khách hàng cố ý không cung cấp thông tin, hoặc cung cấp thông tin sai sự thật để được tham gia bảo hiểm hoặc tham gia với mức phí dành cho người bình thường; Tự gây thiệt hại để được nhận tiền bồi thường bảo hiểm, hoặc chi trả quyền lợi bảo hiểm.

Theo Thanh Sơn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự